Suốt nhiều thập kỷ, một gia đình chính sách, có công với cách mạng đã liên tục có đơn yêu cầu UBND huyện Đầm Dơi trả lại phần đất hàng vạn m2 của gia đình, mà phía đơn vị này đã tuỳ tiện giao cho một số cá nhân, đơn vị khác. Theo quy định pháp luật ở thời điểm đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp này là cấp tỉnh, tuy nhiên, UBND huyện Đầm Dơi đã ban hành quyết định bác yêu cầu hợp pháp của công dân thay vì UBND tỉnh. Điều này khiến dân khởi kiện UBND huyện Đầm Dơi ra toà.
Nguồn gốc đất rõ ràng, minh bạch
Cụ Tạ Minh Đường (SN 1910), quê ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau là chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày, được Đảng, Nhà nước ghi công bằng nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương. Sau khi được thả về, cụ Tạ Minh Đường tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau ngày miền Nam giải phóng năm 1975, ông Đường trở về quê nhà sinh sống cùng gia đình.
Theo tài liệu, hồ sơ của cơ quan chức năng: Vợ chồng cụ Tạ Văn Mười và cụ Tạ Thị Nguyệt (bố mẹ cụ Tạ Minh Đường) có 45.360m2 đất tại Vùng 1, thị trấn Đầm Dơi, nay là Khóm 1, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, có nguồn gốc khai phá từ trước năm 1945. Năm 1977, Nhà nước mở đường từ thị trấn Đầm Dơi đi Chà Là cắt ngang phần đất này 12.635m2. Diện tích còn lại thì anh em, con cháu cụ Đường vẫn quản lý, sử dụng.
Theo “Bản tường trình” phía gia đình cụ Đường gửi Thanh tra tỉnh Cà Mau: Năm 1977, cụ Đường họp thân tộc anh em để phân chia phần đất của cha, mẹ để lại cho 3 anh em cụ Đường. Cụ thể: Phần đất làm đường 12.635m2 thì gia đình hiến cho Nhà nước; Cụ Tạ Thành Thân (anh trai cụ Đường) được chia 13.000m2, hiện nay con cháu cụ Thân vẫn đang quản lý; Phần còn lại 18.885m2 là của cụ Đường và cụ Bẩy (em út ông Đường), và đây cũng là phần diện tích trong diện tranh chấp cho đến ngày nay.
Việc gia đình cụ Tạ Minh Đường phát đơn đến các cơ quan chức năng để đòi đất diễn ra liên tục từ năm 1982, cho đến năm 2004 thì cụ Đường viết giấy giao đất và uỷ quyền cho con trai mình là ông Tạ Phương Nam (SN 1954) sử dụng 18.885m2 để sinh sống, sản xuất và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, đồng thời thay cụ Đường thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan.
Và sau 20 năm, một quyết định chính thức, có hiệu lực pháp luật cao nhất được ban hành liên quan đến tranh chấp của gia đình ông Tạ Phương Nam là Quyết định số 85/QĐ-CTUB ngày 31-7-2002 của chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi với nội dung “không chấp nhận đơn yêu cầu đòi lại đất… vì đất này hiện nằm trong khu quy hoạch dân cư và xây dựng trại giam của huyện”.
Thế nhưng trên thực tế, không có quy hoạch khu dân cư nào ở thời điểm đó. Và thực tế là, nhiều diện tích đất của gia đình cụ Tạ Minh Đường đã được UBND huyện Đầm Dơi giao cho một số cá nhân. (Hiện đã thu hồi Giấy chứng nhận, nhưng các cá nhân vẫn quản lý, sử dụng đất).
Cho đến tận ngày nay, gia đình ông Tạ Phương Nam vẫn không nhận được bất cứ quyết định chính thức nào của cơ quan chức năng liên quan đến việc thu hồi đất của gia đình, cũng như chủ trương, quyết định giao đất cho các cá nhân khác trên thửa đất của gia đình.
Bức xúc, gia đình ông Tạ Phương Nam đơn thư lên tận Trung ương và Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Từ đó, lộ ra một tình tiết mới, là trong thời gian gia đình ông Nam còn đang đơn thư tranh chấp với phía huyện Đầm Dơi, thì năm 1995 đơn vị này đã cấp “Giấy chứng nhận tạm thời” cho một số cá nhân trên phần đất của gia đình ông Nam bị bao chiếm, trong đó có trường hợp ông Trần Văn Hoà, được cấp giấy chứng nhận với diện tích 9840m2, thời hạn sử dụng 20 năm, mục đích trồng lúa, dù thực tế là dựng nhà, làm hàng quán. Sau thời điểm Thanh tra Chính phủ về làm việc, UBND Đầm Dơi đã thu hồi lại các giấy chứng nhận này. Trong nhiều tài liệu hồ sơ của cơ quan chức năng, phía ông Trần Văn Hoà cũng khẳng định nguồn gốc đất ông Hoà đang sử dụng là của gia đình ông Tạ Phương Nam và mong muốn “hoà giải” bằng việc trả lại một phần diện tích.
Phía gia đình ông Tạ Phương Nam thì cho rằng không phát sinh tranh chấp với phía ông Hoà, mà từ trước tới nay, bản chất vấn đề là mâu thuẫn, tranh chấp giữa gia đình ông và UBND huyện Đầm Dơi.
Nhiều tài liệu hồ sơ của cơ quan chức năng từ huyện tới tỉnh mà người viết bài thu thập được, từ câu từ đến nội dung, đều thể hiện bản chất vấn đề là tranh chấp đất giữa gia đình ông Tạ Phương Nam với Nhà nước (ở đây là UBND huyện Đầm Dơi).
Huyện - Tỉnh nói làm đúng
Tại Quyết định số 85 và nhiều văn bản khác, UBND huyện đều khẳng định làm đúng quy định và đã giải quyết hợp lý hợp tình. Phía UBND tỉnh cũng có quan điểm tương tự, dù cấp tỉnh không ban hành Quyết định giải quyết, mà chỉ ban hành văn bản thể thức dạng công văn, thông báo…
(Quan điểm của huyện, tỉnh xin xem chi tiết ảnh bên dưới)
Luật đất đai 1993: Cấp tỉnh giải quyết tranh chấp đất đai cá nhân - tổ chức
Tại quyết định giải quyết của UBND huyện Đầm Dơi căn cứ vào Luật đất đai năm 1993. Theo quy định pháp luật, tranh chấp phát sinh trước ngày 1-7-2004 (thời điểm Luật Đất đai 2003 có hiệu lực) thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 38 Luật đất đai 1993. Cụ thể, Điểm b Khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai 1993 quy định: UBND cấp tỉnh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết các tranh chấp giữa tổ chức với tổ chức, giữa tổ chức với hộ gia đình, cá nhân nếu tổ chức đó thuộc quyền quản lý của mình hoặc của Trung ương.
Nếu căn cứ quy định trên, thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa gia đình ông Tạ Phương Nam và UBND huyện Đầm Dơi thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Cà Mau. Việc UBND huyện Đầm Dơi ban hành quyết định bác yêu cầu của chính bên tranh chấp với mình, liệu có đúng thẩm quyền hay không cần được toà phân xử công minh, đúng luật!
Gia đình chính sách này cũng rất bức xúc bởi: phía UBND tỉnh Cà Mau cho đến nay dù ban hành nhiều văn bản thể thức là công văn, thông báo liên quan, nhưng phía gia đình vẫn chưa nhận được một QUYẾT ĐỊNH CHÍNH THỨC (theo đúng thể thức văn bản) để thụ lý đơn cũng như ban hành quyết định giải quyết lần đầu đối với vụ việc nhà ông Tạ Phương Nam.
Hiện công dân đã khởi kiện UBND huyện Đầm Dơi ra TAND tỉnh Cà Mau và chuẩn bị xét xử sơ thẩm.
Có 2 trường hợp sẽ xảy ra:
Trường hợp 1: Toà bác yêu cầu khởi kiện của người dân. Nếu có kháng cáo thì vụ việc sẽ do Toà án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm.
Trường hợp 2: Toà chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người dân (một phần hoặc toàn phần). Khi đó, Quyết định số 85 của UBND huyện Đầm Dơi nhiều khả năng bị huỷ và UBND tỉnh sẽ thụ lý lần đầu và cũng chính đơn vị này ban hành Quyết định giải quyết, thay vì UBND cấp huyện như trước kia. Tất nhiên, nếu không đồng ý với quyết định của UBND tỉnh, dân vẫn có quyền khởi kiện. Khi đó, thẩm quyền xét xử sơ thẩm thuộc toà án cấp cao (nếu có).
Đó là giả thiết về diễn biến vụ việc, mang tính tham khảo về pháp lý. Còn quyết định chính thức trong vụ việc này thuộc thẩm quyền của toà án.
Dưới đây là một số hình ảnh, tài liệu liên quan:
(Còn nữa)