Chẳng là gia đình bà Phạm Thị Liên, ở xóm Gò Đình, xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang từ nhiều đời, rồi cha mẹ chồng bà Liên đã để lại mảnh đất có diện tích hơn 4.000 m2 cho vợ chồng bà. Từ năm 1996 gia đình đã có sổ bìa xanh, đến năm 2009 thì UBND huyện Sơn Dương đã cấp lại GCNQSDĐ số AL492796 với diện tích 4.480 m2.
Vào quãng năm 1990, gia đình bà Liên có cho một gia đình hàng xóm ở nơi khác chuyển đến mượn một khoảnh đất nhỏ trong vườn nhà mình, để đào giếng và trồng rau. Nhiều năm qua đi, mọi việc giữa 2 gia đình vẫn yên bình, người hàng xóm tốt bụng vẫn trồng rau lấy nước nhờ bên vườn nhà bà Liên.
Thế rồi đến một ngày vào năm 2020, tình làng nghĩa xóm bỗng chẳng còn "tắt lửa tối đèn", đó là khi gia đình bà Liên có kế cải tạo khu vườn bằng cách đổ đất nâng cao mặt vườn, thì phát hiện gia đình bà Trang đã được cấp GCNQSDĐ trên chính phần đất mà gia đình mình cho mượn để trồng rau và đào giếng, và người ký vào GCNQSDĐ đó là bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương.
Cũng từ đây tranh chấp bắt đầu nảy sinh, gia đình bà Trang viện cớ phần đất mượn để trồng rau là do gia đình mình mua của một người khác, nhưng lại không đưa ra được các bằng chứng thể hiện việc mua bán phần diện tích đó. Còn gia đình bà Liên thì cho rằng phần đất này do ông cha để lại, gia đình đã sử dụng từ trước những năm 1960 đến nay.
Quá bất ngờ và bức xúc trước những những việc làm của gia đình người hàng xóm, theo kiểu "trước thì nhờ, sau chiếm", nhưng gia đình bà Liên bức xúc hơn cả là cách làm của lãnh đạo UBND huyện Sơn Dương, mà cụ thể là bà Phạm Thị Nhị Bình, bởi lẽ là một lãnh đạo cấp huyện, thì hơn ai hết bà Bình phải hiểu rằng không thể cấp 2 sổ đỏ chồng lên nhau trên cùng một mảnh đất.
Nhưng cái việc không thể ấy, lại được bà Bình làm cho nó thành có thể, vào năm 2015, bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, đã ký Quyết định cấp GCNQSDĐ số BO 699468, với diện tích 244m2 cho gia đình bà Phạm Thị Trang và chồng là Đinh Công Thức, phần diện tích được cấp này nằm chồng lấn lên phần diện tích 4.480 m2 của gia đình bà Liên đã được cấp sổ từ trước đó.
Và từ đây 2 gia đình hàng xóm vốn thân nhau như anh em, đã phải dắt díu nhau ra cơ quan chức năng để tranh chấp đất đai, một vụ tranh chấp mà dân làng ai nấy đều lắc đầu ngao ngán, họ xót xa cho gia đình bà Liên vì tin hàng xóm mà cho mượn đất, và họ lại uất ức thay vì họ đã làm những việc có dấu hiệu trái pháp luật để biến mảnh đất mượn ấy thành đất của mình.
Vừa cay đắng, vừa bức xúc, sau nhiều lần gửi đơn từ kiến nghị lên các cấp UBND xã Hồng Lạc và UBND huyện Sơn Dương, nhưng vụ việc chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, nên mới đây gia đình bà Phạm Thị Liên đã làm đơn tố cáo bà Phạm Thị Nhị Bình lên Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, vì bà Bình đã ký quyết định có dấu hiệu trái quy định của pháp luật, dẫn đến gia đình bà Liên bị công khai chiếm đoạt phần diện tích đất 244m2.
Cũng may cho gia đình bà Liên, là các cơ quan chức năng ở Tuyên Quang đã nhanh chóng có phản hồi đơn tố cáo của bà, và yêu cầu lãnh đạo UBND huyện Sơn Dương làm rõ và trả lời đơn thư của công dân theo thẩm quyền.
Như vậy, chỉ một việc làm tắc trách của những người lãnh đạo địa phương, cũng có thể đem đến những rắc rối lớn cho đời sống của người dân, cụ thể ở trường hợp này đã khiến tình cảm hàng xóm láng giềng thành mâu thuẫn, kiện cáo kéo dài gây mất an ninh trật tự trong cộng đồng một cách đáng tiếc.