z5451756691377-bfc630feee099179b35bc69e9022ec5d-1715999292.jpg
 

Lợi dụng tình thế cần tiền gấp của người vay, bên cho vay thường yêu cầu bảo đảm khoản vay bằng việc lập hợp đồng uỷ quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở có chữ ký và công chứng với giá trị lớn hơn so với tài sản cho vay. Từ đây phát sinh hệ lụy phức tạp.

Hợp đồng giả cách

Nhiều trường hợp sau khi hợp đồng ủy quyền vừa ráo mực, bên được uỷ quyền đã không tuân thủ ý chí ban đầu của cả hai, vội bán tài sản của người uỷ quyền, đẩy họ vào tình thế mất nhà, mất đất. Trường hợp ở TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương dưới đây là một ví dụ.

Ông Nguyễn Chí Trung, ở huyện Củ Chi, TP HCM, kể: “Vào năm 2011, 2012, tôi có vay của ông Sơn 1 tỷ đồng và sau đó vay thêm 2,6 tỷ đồng, để trả nợ cho ngân hàng, tổng số vay là 3,6 tỷ đồng. Sau đó tôi ký hợp đồng ủy quyền cho ông Sơn với mục đích để vay giả cách, bao giờ tôi trả xong nợ thì hủy hợp đồng”.

Ngày 3/8/2013, tại Văn phòng Công chứng Sở Sao ở tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Chí Trung (trú tại huyện Củ Chi, TP HCM) đã ký Hợp đồng ủy quyền cho ông Đỗ Thanh Sơn (trú tại TP Thủ Đức, TP HCM) quyền định đoạt thửa đất 8.098m2 do ông Trung đứng tên, địa chỉ ở phường Uyên Hưng, thị xã (nay là thành phố) Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. 

Thời gian ủy quyền là 10 năm kể từ ngày hợp đồng được công chứng, hoặc chấm dứt thời hạn theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, hợp đồng ủy quyền vừa ráo mực, chỉ 01 ngày sau ông Sơn đã nhanh chóng chuyển nhượng hơn 1.300m2 đất (nằm trong diện tích 8.098m2) cho ông Hồ Văn Hai (tên thường gọi là Hải, trú tại TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) bằng hợp đồng viết tay.

Phát hiện vụ việc, ông Trung khởi kiện ra tòa đòi tài sản.

Trong khi tòa án chưa xét xử, giữa ông Trung và ông Sơn đã ngồi lại với nhau cùng lập “Biên bản thỏa thuận” ngày 8/11/2016, với nội dung: Ông Sơn cam kết sẽ trả quyền sử dụng đất với diện tích 8.098 m2 và ra công chứng hủy Hợp đồng ủy quyền lô đất trên. Còn ông Trung có trách nhiệm trả nợ cho ông Sơn với số tiền 4,2 tỷ đồng trong vòng 10 ngày.

Ngày 8/11/2016, tôi và ông Sơn đi công chứng hủy Hợp đồng ủy quyền giữa tôi và ông Sơn. Đồng thời, tôi đã trả nợ cả gốc lẫn lãi cho ông Đô Thanh Sơn với số tiền 4,2 tỷ đồng, số tiền còn nợ 400 triệu đồng, khi nào giải quyết tranh chấp giữa tôi và ông Hai xong, tôi sẽ trả đủ”, ông Trung cho biết.

Như vậy, có căn cứ chứng minh quan hệ giữa ông Trung và ông Sơn là quan hệ vay mượn tiền và hợp đồng ủy quyền có dấu hiệu giả cách rất rõ ràng.

Vi phạm hợp đồng ủy quyền

Tại Khoản 1, Điều 5 của Hợp đồng ủy quyền quy định về Nghĩa vụ và quyền của bên B (là ông Sơn), thể hiện rõ: “Bên B có nghĩa vụ thực hiện công việc ủy quyền và báo cho bên A về việc thực hiện công việc đó”.

Ông Nguyễn Chí Trung, cho hay: “Tôi ký hợp đồng ủy quyền để đảm bảo số tiền vay với ông Sơn, không thể hiện ý chí của tôi là cho phép ông Sơn thay mặt để chuyển nhượng tài sản. Tôi không biết ông Hai là ai mà ông Sơn chuyển nhượng đất của tôi cũng không thông qua ý kiến tôi. Năm 2013, khi tôi biết tin ông Sơn nhận tiền đặt cọc 100 triệu đồng để chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền trên đất của tôi cho ông Hồ Văn Hai, tôi bắt đầu tranh chấp, khởi kiện đòi tài sản ra TAND TP Tân Uyên”.

Như vậy, theo lời ông Trung, cũng như căn cứ tại Khoản 1, Điều 5 của Hợp đồng ủy quyền, nếu bên B (là ông Sơn) chuyển nhượng 1 phần thửa đất mà không thông báo cho bên A thì giao dịch của bên B với bên thứ 3 là trái pháp luật.

Cần sự đánh giá khách quan, đúng bản chất vấn đề

Bản án sơ thẩm số 68/2023/DS-ST, ngày 8/8/2023, của TAND TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, xét xử vụ việc tranh chấp hợp đồng quyền sử dụng đất và đòi tải sản như sau:

Đình chỉ yêu cầu của ông Trung. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, phản tố của ông Hai. 

Công nhận hiệu lực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 4/8/2013, dù đây chỉ là tờ giấy A4 không công chứng, không có thông tin tài sản chuyển nhượng. 

Ông Hai được quyền sử dụng và thực hiện các thủ tục để được cấp Giấy CNQSDĐ đối với phần đất trên.

Ông Nguyễn Chí Trung, bức xúc: “Tôi thấy tòa án TP Tân Uyên xét xử như vậy là quá vô lý, ngày 8/8/2023 mời tôi đến dự 01 lần không hòa giải, tòa đem tôi ra xét xử và kết luận tại bản án. Lúc đó tôi không mang theo chứng cứ để tôi chứng minh việc tôi và ông Đỗ Thanh Sơn ký hợp đồng ủy quyền là để giả cách đảm bảo cho khoản vay. Ông Sơn là người chuyển nhượng tài sản của tôi, là nhân chứng quan trọng trong vụ việc tranh chấp này lại vắng mặt, nhưng tòa vẫn cố xét xử”.

Hơn nữa, hợp đồng tôi ký ủy quyền với ông Sơn là hợp đồng giả cách để đảm bảo cho việc vay mượn, sau đó tôi cũng trả dần hết nợ và hủy hợp đồng với ông Sơn, nên tôi đề nghị hội đồng xét xử tuyên vô hiệu theo quy định của Điều 407, Bộ luật Dân sự, để các bên hoàn trả những gì cho nhau đã nhận. Toà án TP Tân Uyên chưa làm rõ các bên đã giao nhận những tài sản gì, các chứng cứ chứng minh, mà đã vội vàng phán quyết, khiến tôi bị mất tài sản một cách vô lý”, ông Trung nói.

Ông Trần Xuân Cần, ở tỉnh Bình Dương, là nhân chứng của vụ việc, cho biết: “Vấn đề này, tôi là người ngoài, tôi chẳng được gì nhưng tôi rất bức xúc, bởi vì một ông tên Hai mua bán với ông Sơn chỉ có 100 triệu đồng thôi. Năm nay vụ việc đã sáng tỏ ra, khi tòa phúc thẩm sắp xét xử tại tỉnh Bình Dương, thì 2 ông Hồ Văn Hai và Đỗ Thanh Sơn đã thỏa thuận, có giấy tờ đàng hoàng để lấy 3 tỷ đồng chia nhau. Trong khi đó ông 2 ông này chính thức là những người lừa đảo, vì tôi là những người chứng kiến, đi cùng với ông Trung để lên trả tiền ông Sơn 4,2 tỷ tại Bình Dương”.

Được biết, TAND tỉnh Bình Dương đang chuẩn bị đưa vụ việc ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Thực tế cho thấy, hiện nay rất nhiều gia đình đã, đang và sắp rơi vào hoàn cảnh bị mất nhà, mất đất chỉ vì ký những hợp đồng giả cách. Việc người dân vội vàng đặt bút ký vào những hợp đồng chuyển nhượng tài sản, chỉ để đảm bảo cho một khoản vay có giá trị nhỏ hơn gấp nhiều lần so với tài sản, cho thấy vừa đáng trách, vừa đáng thương. Đáng trách vì sự thiếu hiểu biết pháp luật, đáng thương vì đa số trường hợp ký trong tình thế bị ép buộc, hoặc ở hoàn cảnh khốn khó, cùng đường.

Những lúc này, họ rất trông mong vào sự phán quyết vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật của những người “cầm cân nảy mực”, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Thẩm phán phải “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Video NGƯỜI ĐƯA TIN TV