Năm 2017, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 4483/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Phù Lá (Xá Phó), dân tộc Bố Y giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Dân tộc tỉnh được giao chủ trì thực hiện dự án, trong đó có nội dung hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đội văn nghệ, tổ chức các lớp dạy tiếng dân tộc theo hình thức truyền khẩu, cung cấp một số trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng và Công trình bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống của dân tộc Phù Lá (Xá Phó), Bố Y.
Ban Dân tộc tỉnh đã mua sắm các loại trống, chũm chọe, trang phục biểu diễn để cấp cho các đội văn nghệ. Đơn vị được thuê thực hiện truyền dạy biểu diễn văn nghệ là Trung tâm đào tạo và thực nghiệm biểu diễn, Trường Cao đẳng Lào Cai, thực hiện.
Quá trình thực hiện dự án, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đã mua sắm cung cấp trang phục, đạo cụ, nhạc cụ cho 37 đội văn nghệ/37 thôn, bản của người Phù Lá và Bố Y.
Tiếng là đầu tư mua sắm nhạc cụ, đạo cụ, trang phục sân khấu, để thực hiện dự án bảo tồn văn hóa dân tộc. Nhưng thực tế, nó không hề phù hợp với văn hóa truyền thống của người dân tộc được bảo tồn.
Trong nhà văn hóa thôn An Thành, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai, của nhóm người Xá Phó, thuộc dân tộc Phù Lá, có những loại nhạc cụ, đạo cụ, trang phục biểu diễn văn hóa dân tộc để bảo tồn văn hóa của người Xá Phó, nhưng rất lạ là nó lại chẳng liên quan gì tới văn hóa của người Xá Phó.
Gồm 2 dàn trống định âm; 2 đôi chũm chọe đồng; cùng hàng loạt bộ trang phục biểu diễn sân khấu, được vứt chỏng chơ ở góc nhà văn hóa.
Người dân ở đây, cho biết: Cái này chỉ để diễn văn nghệ thôi, nó không phải văn hóa của người dân tộc chúng tôi. Nếu nói là bảo tồn văn hóa người Xá Phó, mà dùng những thứ này là không đúng đâu.
“Nói là bảo tồn văn hóa người Xá Phó chúng tôi, thì phải bảo tồn, phục dựng những giá trị văn hóa của chính người Xá Phó. Chứ không thể mang những thể loại văn hóa của dân tộc khác về chụp lên cộng đồng người Xá Phó như vậy được”, người dân nói thêm.
Tương tự, người Bố Y ở xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, cũng nằm trong diện hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đội văn nghệ như người Xá Phó. Nên họ cũng được cấp các loại trống, chũm chọe, trang phục như của người Xá Phó ở xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai.
Một lãnh đạo ở địa phương cho biết: Đây là những loại nhạc cụ, trang phục do Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ cho các đội văn nghệ, sau đó Trường Cao đẳng Lào Cai về dạy biểu diễn văn nghệ cho cộng đồng. Địa phương chỉ là đơn vị thủ hưởng, nên họ cho như thế nào thì nhận thế.
Những loại trống, chũm chọe, trang phục này đều không phù hợp với văn hóa truyền thống của người Bố Y, nên người dân không thích, cũng không biết sử dụng là điều có thể xảy ra.
Xoanh quanh chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng bảo tồn văn hóa dân tộc, thì phải giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc ấy. Không thể thể lấy văn hóa của người dân tộc khác về áp lên văn hóa của người Xá Phó, người Bố Y, để nói là bản tồn phát huy văn hóa truyền thống được. Làm như thế là áp đặt, như thế thì không còn gọi là văn hóa truyền thống của dân tộc họ nữa.
Bài sau sẽ viết về việc lãng phí ngân sách nhà nước khi đầu từ theo kiểu "áp lặt".