Thôn Choản Thèn, xã Ý Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai vốn nổi tiếng là nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cùng với những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Hà Nhì, đã tạo nên những tiềm năng phát triển du lịch đầy hứa hẹn, nhưng vừa qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai đã gây bức xúc dư luận với những dự án bảo tồn phát triển du lịch theo kiểu can thiệp "thô bạo" vào không gian văn hóa, cảnh quan thôn Choản Thèn. 

 

 

Đó là việc Sở VHTTDL Lào Cai lập dự án bảo tồn bằng cách không giống ai, với công trình khi xây dựng lên một công trình bê tông cốt thép "bao vây" cây cổ thụ, vốn là biểu tượng cho văn hóa giữ rừng của người HN ở Choản Thèn. Bởi người dân tộc Hà Nhì, nổi tiếng là dân tộc giữ rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, rừng gắn bó mật thiết với đời sống lao động sản xuất và văn hóa tâm linh của họ. 
Hai cây cổ thụ ở thôn Choản Thèn có lịch sử hàng trăm năm tuổi, theo quan niệm của người dân địa phương, thì 2 cây cổ thụ này được coi là cây chồng, cây vợ, và trở thành biểu tượng "thần hộ mệnh" cho dân làng, nên người dân Hà Nhì ở Choản Thèn rất tôn thờ 2 cây cổ thụ trên. Thế nhưng sự tắc trách của mấy anh cán bộ đã mang bê tông, sắt thép đến xây công trình ngắm cảnh và rào 2 cây cổ thụ lại. Sau khi người dân và dư luận dữ dội, Sở VHTTDL đành phải dỡ bỏ công trình vô duyên ấy.
Thế nhưng chưa hết, ngay cả cổng làng Choản Thèn cũng được cho là "bê tông hóa", người dân cho rằng, đây là ngôi làng mà từ hàng trăm, hàng ngàn năm qua các thế hệ người Hà Nhì đã xây dựng tạo lập bản làng và sinh sống, đến nay cán bộ về không thèm hỏi ý kiến dân, họ tự ý dựng lên cái cổng làng bằng bê tông cốt thép, phá tan không gian của thôn Choản Thèn, và người Hà Nhì nhìn vào chiếc cổng có hình thù kỳ quái ấy, thì chẳng hiểu nó mang ý nghĩa gì.

 

Bảo tồn văn hóa của một bản làng, một dân tộc, thì trước hết cần phải tôn trọng các giá trị, nền tảng chủ thể mà họ đang muốn thực hiện. Nếu chỉ áp đặt tư duy, ý nghĩ chủ quan của đơn vị thực hiện bảo tồn sẽ trở thành khiên cưỡng, cứng nhắc. 
Lào Cai đã từng có nhiều dự án, nhiều công trình mang danh nghĩa bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, di tích truyền thống, nhưng cuối cùng lại không đạt hiệu quả như mong muốn, điển hình là khu chạm khắc đá cổ, chợ thổ cẩm ở Tả Phìn. Đó là cách làm chủ quan áp đặt, khiến dư luận nghĩ đến hình thức "giải ngân cho xong chuyện". 
Dư luận cho rằng, nếu như chủ đầu tư dựng một khối đá ở cổng làng sẽ gắn với văn hóa truyền thống của người Hà Nhì vốn thờ cúng vật thiêng (tô tem giáo), sẽ hay hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Thiết nghĩ, lãnh đạo ngành VHTTDL tỉnh Lào Cai cần xem lại cách làm bảo tồn, đừng quá nặng về các dự án đầu tư nhiều tiền, mà quên đi ý kiến của người dân, họ mới chính là chủ thể sáng tạo của những giá trị văn hóa đó, bản chất của các giá trị đó được tạo dựng từ chính cộng động, nó tồn tại và phát triển cùng cộng đồng, thành bại hay suy vong cũng do cộng đồng, nếu bỏ qua cộng đồng để áp dụng các công trình bê tông cốt thép, thì đó là phương pháp triệt tiêu văn hóa, chứ không phải bảo tồn văn hóa.

91af03a6e96b1e35477a-1628388188.jpg

Cổng làng Choản Thèn cũng được cho là "bê tông hóa"

c3b60c2d77fd80a3d9ec-1628388322.jpg Gốc cây cổ thụ bị bê tông hóa