Dư luận cho rằng một số gói thầu tại Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng có nhiều sản phẩm có giá trúng thầu cao ngất ngưởng. Thậm chí, tính riêng một loại hàng hóa trong 1 gói thầu được nêu, số tiền chênh lệch với thị trường từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Chưa bao giờ hệ thống giáo dục lại gây chấn động dư luận với nhiều vụ việc lớn về tiêu cực trong đấu thầu, chỉ định thầu như thời điểm hiện tại. Những nghi vấn, bức xúc về công tác đấu thầu thiết bị giáo dục vẫn chưa dừng lại. Thời gian gần đây, dấu hỏi lớn về việc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sóc Trăng (sau đây gọi tắt là Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng) đấu thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ giáo dục (bằng ngân sách Nhà nước) với giá trúng thầu cao bất thường đang là mối quan tâm của dư luận tại địa phương này.

Vì sao lại mua "đắt" hơn giá thị trường? 

Theo hồ sơ một số gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư thời gian vừa qua, các gói thầu này có dấu hiệu “loạn giá, thổi giá, đội giá, tiết kiệm thấp” khi sản phẩm có giá duyệt mua cao gấp nhiều lần giá đơn vị khách chào bán trên thị trường.

Cụ thể: Ngày 06/10/2021, ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng đã ký Quyết định số 1346/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 2: Mua sắm thiết bị dùng chung lớp 2 và lớp 6 (các huyện, thị xã, thành phố và các trường cấp THCS trực thuộc) cho Liên danh Công ty TNHH sản xuất thương mại Liên Thành Phát và Công ty TNHH công nghiệp tự động hoá An Phát là đơn vị trúng thầu, giá trúng thầu là 20.391.574.500 đồng.

Qua khảo sát ngẫu nhiên 4/26 sản phẩm tại gói thầu số 02 : Mua sắm thiết bị dùng chung lớp 2 và lớp 6 (các huyện, thị xã, thành phố và các trường cấp THCS trực thuộc), như vậy có thể thấy có sự khác thường do công ty cung cấp lại có giá cao hơn giá thị trường nhiều, cụ thể:

Sản phẩm máy chiếu vật thể GS60, xuất xứ: SYNCCAM/ Trung Quốc, được Công ty Cổ phần Quốc tế MBA cung cấp với giá 13.500.000 đồng, trong khi đó giá trúng thầu là 16.940.000 đồng, với số lượng 53 chiếc được mua thì chênh lệch khoảng 182.000.000 đồng.

Máy chiếu thông minh (projector) kèm màn chiếu EX600, xuất xứ: Trung Quốc, được Công ty TNHH TM DV Bảo Tín cung cấp với giá 16.140.000 đồng, trong khi đó giá trúng thầu là 25.300.000 đồng, với số lượng 58 được mua thì ước lượng chênh lệch 531.280.000 đồng.

Hay sản phẩm Máy chiếu và chân màn chiếu EW600, xuất xứ: Ben Q/Trung Quốc được Công ty Cổ phần Quốc tế MBA cung cấp cùng thời điểm đó với giá 22.700.000 đồng, trong khi giá trúng thầu là 28.600.000 đồng, với số lượng 31 được mua thì chênh lệch khoảng 182.900.000 đồng. Thiết bị âm thanh (đài radio cassette) ZS-RS60BT, xuất xứ: Trung Quốc, được cung cấp với giá 2.550.000 đồng, trong khi đó giá trúng thầu là 3.520.000 đồng, với số lượng 49 chiếc được mua thì chênh lệch khoảng 32 triệu đồng.

Hệ lụy từ vấn đề "đội giá" trong các gói thầu

Theo Luật Đấu thầu năm 2013, “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.”

Thời gian qua, Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện nhiều vụ sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Theo quy định của pháp luật, việc mua sắm tài sản của nhà nước và nguồn đầu tư công phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị nhà thầu có năng lực, giá thành hợp lý để tiết kiệm cho ngân sách, đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Việc gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.

Đây là vấn đề nghịch lý đang diễn ra ở nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ở các cơ quan, các lĩnh vực đều phát hiện sai phạm, nhiều cán bộ bị xử lý, trong đó có chế tài hình sự. Thông thường, nếu không tổ chức đấu thầu, có thể cơ quan nhà nước mua được hàng hóa với giá thị trường hoặc có thể cao hơn giá thị trường một chút. Khi tổ chức đấu thầu sẽ mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thậm chí có thể là giá rẻ. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu thầu mà các cơ quan, tổ chức nhà nước này lại mua phải các hàng hóa giá đắt hơn gấp nhiều lần... đó đúng là nghịch lý.

Với hàng loạt thiết bị có dấu hiệu “đội giá” trong các gói thầu mua sắm Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư kể trên, dư luận cho rằng đó là những lãng phí rất đáng tiếc.

fb-img-1676872018020-1676872555.jpg
 
fb-img-1676872015183-1676872555.jpg