Thời gian qua, tình trạng chào bán trái phiếu lấp liếm dưới hình thức gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng diễn ra tràn lan gây bức xúc cho người dân. Mặc dù cơ quan nhà nước đã có những văn bản pháp lý về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế, việc gian lận này vẫn diễn ra ngang nhiên. Điều này đặt ra vấn đề, liệu còn lỗ hổng nào trong chính sách về phát hành và giao dịch trái phiếu cần bổ sung và sửa đổi?

Từ năm 2019, thị trường trái phiếu có sự phát triển nhanh chóng. Trong quá trình phát triển đó, Bộ Tài chính đã nhận thấy những rủi ro mới phát sinh. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, quy mô nhỏ vẫn phát hành trái phiếu, thông qua việc đẩy lãi suất phát hành tăng lên để thu hút nhà đầu tư. Cùng với đó, một số công ty, tổ chức trung gian làm tư vấn phát hành, trung gian tài chính, ngân hàng không thực sự trung thực khi cung cấp dịch vụ, thông tin đến với nhà đầu tư. 

Từ những bất cập của thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính triển khai xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi một số điểm của nghị định hiện hành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ngày 16/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65).

Nghị định 65 có nhiều điểm mới liên quan đến các đối tượng tham gia vào thị trường.

Thứ nhất, về điều kiện và hồ sơ phát hành, các điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được quy định ở Luật doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, Nghị định 65 chỉ điều chỉnh một số quy định về hồ sơ, để đảm bảo tăng tính minh bạch của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng tính tiếp cận thông tin của chủ thể phát hành và của nhà đầu tư.

Thứ hai, sửa đổi chính sách liên quan đến nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải đảm bảo có 2 tỷ đồng trong danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng.

Thứ ba, liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành. Nghị định bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm về nghĩa vụ công bố thông tin của nhà phát hành cho nhà đầu tư và trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và các quy định khác.  Đây là một điểm rất mới, tăng trách nhiệm của nhà đầu tư hơn khi đưa ra quyết định đầu tư của mình, đó là khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đọc một bản công bố thông tin và phải tự ký vào bản đó, xác nhận tiếp nhận đầy đủ những thông tin doanh nghiệp công bố; đồng thời, hiểu pháp luật và chịu trách nhiệm về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. 

Nghị định 65 được đánh giá là sẽ thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển thực chất hơn, đảm bảo tất cả thành phần tham gia thị trường có trách nhiệm minh bạch hóa thông tin và chịu trách nhiệm việc tham gia thị trường của mình.

Tuy nhiên, để chặt chẽ hơn trong khâu tư vấn và đảm bảo việc cung cấp và tiếp cận thông tin về trái phiếu một cách đầy đủ, minh bạch và rõ ràng, việc cơ quan nhà nước cần xây dựng bộ quy định riêng cho nhân viên tư vấn tài chính là thực sự cần thiết. 

Ở Anh, người tư vấn tài chính cho khách hàng yêu cầu phải có bằng cấp để bán sản phẩm tài chính, nhất là những loại rủi ro cao như trái phiếu phát hành riêng lẻ. Ngoài ra, các công ty trung gian tư vấn sản phẩm tài chính cũng phải công khai rõ các mối quan hệ mâu thuẫn lợi ích với khách hàng, chẳng hạn họ nhận được bao nhiêu phần trăm hoa hồng từ phí bán sản phẩm cho khách, hoặc họ hưởng lợi khi bán được trái phiếu như thế nào. Quan trọng nhất, các đợn vị này phải lập một báo cáo thể hiện rõ vì sao họ đánh giá sản phẩm đã tư vấn cho khách hàng là phù hợp với tình trạng tài chính và thông tin do khách hàng cung cấp. Đây là báo cáo đánh giá mức độ phù hợp của sản phẩm. 

Tại một số nước khác, nhân viên ngân hàng không được phép chào bán, ép bán những sản phẩm mà khách hàng không chủ động hỏi đến. Ví dụ, nếu khách hàng muốn gửi tiền tiết kiệm dài hạn, nhân viên không được quyền giới thiệu và cố tình chào bán các sản phẩm trái phiếu. Khi khách hàng mua trái phiếu hay chứng chỉ tiền gửi, nhân viên tư vấn phải đảm bảo khách hàng đã hiểu rõ mình đang bỏ tiền vào sản phẩm gì, rủi ro đi kèm ra sao.

Như vậy có thể thấy, ở nước ngoài quy định đối với tư vấn tài chính rất chặt chẽ và khắt khe.  Các yêu cầu đối với nhân viên tư vấn tài chính nói riêng và trách nhiệm của đại lý phát hành trái phiếu nói chung đều rất cụ thể và rõ ràng. 

Tuy nhiên, tại Việt Nam những quy định về điều này chưa có, nên nhiều nhân viên ngân hàng đã lợi dụng sự thiếu kiến thức về tài chính của người dân, mập mờ cung cấp thông tin, thậm chí cung cấp sai thông tin để chào bán trái phiếu một cách “tùm lum” tới khách hàng dưới hình thức gửi tiết kiệm. 

Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước nên có những quy định chặt chẽ hơn về việc phân phối các sản phẩm tài chính của ngân hàng, những gì họ được bán, và những quy định kèm theo. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần cấp giấy phép hành nghề cho nhân viên ngân hàng, đảm bảo toàn bộ nhân viên tư vấn tài chính phải được đào tạo đầy đủ các kiến thức về sản phẩm tài chính mình bán, cũng như quy định rõ những quy tắc hành xử khi chào bán, tư vấn cho khách.