Lóa mắt vì lợi nhuận cao?
Tin vào những lời chào mời đầu tư hưởng lãi suất siêu lợi nhuận, nhiều người dân đã đổ tiền bạc, thậm chí là đi vay thêm về để đầu tư để thỏa mãn mục tiêu làm giàu mà lại nhàn nhã.
Có những mức lợi nhuận cao đến khó tin, nhưng càng cao thì nhà đầu tư lại càng ham, ví du như Cty BĐS Nhật Nam, Cty Tâm Lộc Phát…., họ chạy quảng cáo rầm rộ với những mức lãi suất trên dưới 50%/năm, một mức lợi nhuận như là nhiệm vụ "bất khả thi" đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Có lẽ, trước khi đầu tư, nhiều người cũng thắc mắc và e ngại, nhưng rồi sau những lời tư vấn như rót mật vào tai của các tay "lùa gà", cộng thêm những hào quang lấp lánh của món tiền lời siêu cao kia, họ đã bị hạ gục và cái kết là "chơi tất tay".
Khi đã chơi lớn, ai cũng nghĩ chắc mình không mất, hoặc mình ăn xong kèo này rồi rút êm. Đây được coi như kiểu tâm lý tự chấn an, nó giúp xoa dịu lòng tham và nỗi sợ của chính bản thân họ.
Không tìm hiểu trước khi đầu tư?
Đầu tư bằng tiền bạc, mồ hôi công sức, nhưng rất nhiều người lại không chịu tìm hiểu vào nơi mình đầu tư, để rồi có những điều rất phi lý mà họ cũng không phát hiện ra, chỉ đến khi "vỡ trận" mới tỉnh ngộ, thì cái kết lúc này chỉ còn là tay trắng, cộng với nỗi đau khốn cùng.
Nếu họ tỉnh táo, tìm hiểu trước khi đầu tư, chắc chắn họ sẽ phát hiện ra những vô lý khi các cty tổ chức huy động vốn trả lãi cao.
Ví dụ như Cty Nhật Nam và Tâm Lộc Phát huy động vốn rầm rộ, và trả lãi suất cao đến bất thường. Vậy tại sao mọi người không tìm hiểu họ kinh doanh gì để ra được lợi nhuận siêu khủng và trả lãi suất khủng cho nhà đầu tư?.
Và nếu họ kinh doanh thu lợi nhuận ngon thế, sao họ không đi vay ngân hàng để đầu tư, trong khi lãi suất ngân hàng chỉ dưới 10%/năm, thì việc gì họ phải đi huy động tiền của nhà đầu tư để rồi phải trả lãi cao gấp 4 đến 5 lần lãi suất ngân hàng?.
Ở phía Cty Nhật Nam, quảng cáo có nhiều tài sản bất động sản có giá trị, sao họ không dùng tài sản đó để thế chấp vay vốn, hay sự thật là giá trị tài sản ấy không thực sự thật như những gì họ quảng cáo với nhà đầu tư?
Bỏ tiền đầu tư theo kiểu "nắm dao đằng lưỡi"
Các nhà đầu tư vào các công ty huy động vốn trả lãi cao thường không được biết đơn vị đó sử dụng vốn vào mục đích gì, sau khi "nạp tiền" vào, thì đa phần là chỉ ngồi hóng một cách thụ động. Chẳng biết họ đem tiền của mình đi đâu, làm gì, trong khi những gì họ minh bạch trong báo cáo với cơ quan chức năng thì chỉ là những khoản doanh thu rất nhỏ, như Nhật Nam chẳng hạn, trong báo cáo chỉ có doanh thu vài tỷ, mà năm nào cũng kinh doanh lỗ.
Các công ty huy động vốn thường rất khôn khéo, khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với nhà đầu tư, họ thường tạo các điều khoản có lợi cho công ty, bất lợi về phía nhà đầu tư, và đặc biệt là họ thường "khóa miệng" nhà đầu tư bằng các điều khoản "cấm tiết lộ" thông tin ra ngoài, nếu không sẽ bị phạt.
Vì vậy, dù có lúc phải chịu thiệt, rất uất ức, nhưng vì bị trói bởi các điều khoản, nên ai cũng phải chịu nhịn.
Đến khi không thể chịu được nữa, lúc ấy bung ra thì có thể là lại đến lúc toang cả đám. Nên người ta nói bỏ tiền vào mấy công ty dạng huy động vốn này chẳng khác nào cầm dao đằng lưỡi.