Hiện nay người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp vì họ thấy bóng dáng của ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay. Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành. Điều này đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư, ở đây chính là những người mua trái phiếu là rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ.

Hầu hết người dân mua trái phiếu doanh nghiệp vì "chữ tín" của ngân hàng, nhưng không ý thức được, doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, một điều rất quan trọng trong việc mua trái phiếu mà hầu hết nhân viên ngân hàng đều không nói rõ là hình thức tất toán trước kỳ hạn của trái phiếu. Trái phiếu khác với tiền gửi ngân hàng ở chỗ khi tất toán trước kỳ hạn, thì toàn bộ số lãi trước đó sẽ không được thanh toán. 

Thực tế trong trường hợp người mua trái phiếu muốn rút tiền trước hạn, ngân hàng có thể hỗ trợ chi trả, và người nắm giữ trái phiếu phải chấp nhận giảm một phần lãi suất so với lãi suất của trái phiếu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phá sản, mất khả năng chi trả, những nhà đầu tư đã mua trái phiếu của doanh nghiệp sẽ phải chịu hoàn toàn rủi ro. Bộ Tài chính cũng đã có những cảnh báo nhất định về việc nhà đầu tư nên cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Nếu nhà đầu tư chỉ tin tưởng vào sự giới thiệu của các bên cung cấp dịch vụ và không có tư vấn khác, cộng thêm việc không có khả năng phân tích tình hình tài chính của các tổ chức phát hành trái phiếu thì độ rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng sẽ rất cao.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư, nhưng lại mập mờ giữa hình thức mua trái phiếu và gửi tiết kiệm gây nhiều bức xúc cho người dân.  Do kiến thức tài chính hạn chế, nhiều người khi đi gửi tiền đã đặt bút ký hợp đồng mua trái phiếu vì nhầm tưởng đây là một hình thức gửi tiết kiệm. Mặc dù nhà nước đã có nhiều văn bản quy định liên quan đến hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu, gần đây nhất là Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp được cho là chặt chẽ và đầy đủ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại nhiều kẽ hở, gây bất cập cho nhà đầu tư. 

Từ thực trạng trên, vai trò của nhà trung gian phân phối, cụ thể chính là các  ngân hàng mới là tảng băng chìm rất quan trọng mà các cơ quan quản lý trong nước cần quan tâm. Có lẽ đã đến lúc cơ quan quản lý cần xây dựng bộ quy định chặt chẽ với bên trung gian phân phối để bảo vệ cho nhà đầu tư trái phiếu.