Vì sao chị chọn con đường hành trình này?

  

Tôi quê ở xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, tôi làm nghề du lịch ở Việt Nam, sau đó tôi lấy chồng là người Trung Quốc. Sau nửa năm sống tại Trung Quốc, tôi rất nhớ Việt Nam, nhớ quê hương. Vì vậy, chồng tôi đã lên kế hoạch cùng tôi về thăm gia đình ở Việt Nam, đồng thời quay video về dân tộc Kinh ở Quảng Tây, Trung Quốc. Chúng tôi tự lái xe từ Quý Châu đến Đông Hưng, Quảng Tây, hành trình hơn 1000km, để khám phá văn hóa của dân tộc Kinh ở đó. Chồng tôi làm nhiệm vụ quay phim và đôi lúc đóng vai trò làm phiên dịch.

Tôi nhận thấy người dân tộc Kinh ở đây vẫn giữ gìn những giá trị văn hóa Việt Nam trong đời sống, dù họ đã di cư sang đây hơn 500 năm. Điều đó đã thôi tôi làm các video khám phá, rồi đưa lên mạng xã hội để mọi người Việt Nam được biết. Và tôi rất vui khi có rất nhiều người đón xem và yêu thích những video đó. 

 

Chị đã thấy gì ở cộng đồng người dân tộc Kinh bên Trung Quốc?

 

Trước khi đến Đông Hưng, tôi không biết gì về văn hóa dân tộc Kinh ở đó, thậm chí tôi nghĩ họ có thể đã mất đi những đặc trưng riêng của dân tộc Kinh, chỉ còn lại danh xưng dân tộc Kinh. 

Đến khi đến gần khu vực Đình Hát, tôi thấy nhiều biểu tượng văn hóa của dân tộc Kinh, như những câu khẩu ngữ và chiếc nón lá Việt Nam, và xúc động hơn là một cái cây có tên “Tương Tư Nam Quốc”, tôi mới cảm nhận được gần hơn với văn hóa dân tộc Kinh. Sau đó, chúng tôi cố gắng đi vào một ngôi làng phía sau khu vực Đình Hát và phát hiện ra nhiều ngôi nhà cổ kiểu Việt Nam và giếng nước kiểu Việt Nam, khiến tôi có cảm giác như đứng Việt Nam.

 

Tôi gặp một anh đứng ở ngoài sân ăn cơm, khi thấy hai chúng tôi đi lang thang trước nhà thì mời tôi cùng ăn. Tôi hồi hộp hỏi anh ấy có phải dân tộc Kinh không bằng tiếng Trung, anh ấy gật đầu xác nhận. Tôi thử dùng tiếng Việt nói chuyện với anh ấy, nhưng anh ấy ngại ngùng lẩn tránh. Không lâu sau, tôi thấy một ông chú đang nghe một bài dân ca Bắc Bộ (bài Còn Duyên) trên radio của điện thoại di động, tôi tiến lại gần và chào ông chú bằng tiếng Việt: “con chào ông ạ,” ông chú không ngần ngại đáp lại bằng tiếng Việt, nói với tôi rằng ông đang nghe nhạc Việt Nam. Ông còn hát cho tôi nghe những bản nhạc truyền thống của dân tộc Kinh (Hôm qua tát nước bên đình) - bài hát mà tôi thường được nghe ông ngoại tôi hát lúc tôi còn nhỏ. 

Sau cuộc gặp đó, tôi trở nên tự tin hơn, bởi sự thân thiện của họ. Chúng tôi ở lại Đông Hưng một đêm và tiếp tục quay video tại các làng dân tộc Kinh lân cận, thấy nhiều ngôi nhà cổ của dân tộc Kinh, nhiều cây cổ thụ rất giống ở Việt Nam, trường tiểu học dân tộc Kinh, bảo tàng dân tộc Kinh.

Lần thứ hai đến Đông Hưng, tôi đã may mắn được gặp ông Tô Duy Phương, người nghiên cứu văn hóa dân tộc Kinh, người trong làng vinh danh là vị học giả của làng. Ông Phương kể, tổ tiên của ông ta đã di cư từ Hải Phòng đến đây đã hơn 500 năm. 

Họ gìn giữ văn hóa truyền thống của người Kinh như thế nào? 

Ngày 9 tháng 6 hàng năm là lễ hội Hát Cửa Đình của dân tộc Kinh, một ngày quan trọng và lớn hơn cả Tết Nguyên Đán. Người trong làng có một bài hát thế này: 

 Nghe tin ngày lệ tới gần

Gần xa cũng đến hội đình gặp nhau

Dù ai buôn đâu bán đâu

Mồng Chín tháng Sáu ở đâu cũng về. 

Trong lễ Hát Cửa Đình, Dân tộc Kinh sẽ mặc trang phục truyền thống, con cháu dù đi làm xa cũng quay về tham gia lễ hội, cùng nhau rước Thần. Nam thanh nữ tú sẽ biểu diễn đàn bầu, hát nhạc truyền thống của dân tộc Kinh, mổ lợn, cúng tế, cùng nhau ngồi trên chiếc chiếu để ăn tiệc người ta gọi là Ngồi Mông. 

 

Trong lễ hội của dân tộc Kinh, tôi gặp một chàng trai trẻ, anh ấy đã nói với tôi bằng một nửa tiếng Việt, một nửa tiếng Trung rằng, đa số người Trung Quốc không thích mùi nước mắm, nhưng dân tộc Kinh ở đó mỗi bữa ăn không thể thiếu mùi nước mắm, đó là linh hồn của dân tộc Kinh. Anh ấy tin rằng máu của dân tộc Kinh và người Việt cùng chảy trong người, mặc dù đã trải qua hàng trăm năm, văn hóa, ngôn ngữ và ẩm thực giữa hai dân tộc vẫn gần gũi.

Điều gì khiến bạn ấn tượng nhất trong văn hóa đời sống của cộng đồng người Kinh nơi đây?

 

Đến Đông Hưng, tôi thấy rất nhiều điểm đáng nhớ, một số điểm đáng chú ý giúp dân tộc Kinh duy trì và phát triển văn hóa của họ. Đầu tiên là khu vực Đình Hát, đó là nơi người Kinh thờ cúng tổ tiên và tổ chức các ngày lễ quan trọng. Tiếp theo là Bảo tàng Dân tộc Kinh, nơi ghi lại đầy đủ lịch sử phát triển của dân tộc Kinh trong vài trăm năm qua, trưng bày các trang phục truyền thống, công cụ đánh cá cổ xưa, những thứ gắng liền với đời sống ở nông thôn của người dân tộc Kinh ở Việt Nam mà thế hệ 8-9x như mình ai cũng biết nhưng được giữ gìn rất cẩn thận ở đây. 

Bảo tàng Dân tộc Kinh luôn thu hút nhiều du khách đến tham quan, hoàn toàn thể hiện sức hấp dẫn của văn hóa dân tộc Kinh. 

Ngoài ra, Trường tiểu học cũng có những buổi học tiếng Kinh. Và các lớp học đàn bầu, nên tham dự lễ Hát Cửa Đình tôi thấy nhiều bạn trẻ biết đánh đàn bầu. Ngôn ngữ và âm nhạc là linh hồn của một dân tộc, hai yếu tố này tôi tin rằng sẽ luôn được duy trì và phát triển ở Kinh Tộc Tam Đảo. 

Cuối cùng, Trung tâm nghiên cứu chữ Nôm được thành lập tại đây, do ông Tô Duy Phương thành lập, dù đã hơn 80 tuổi nhưng ông vẫn tiếp tục viết sách lịch sử, dịch ca dao của tổ tiên, hợp tác với Đại học ngôn ngữ Việt Nam Trung Quốc, quảng bá chữ Nôm và ca dao truyền thống của người Việt. Ông Tô Duy Phương là nhà cứu tinh của văn hóa dân tộc Kinh.

Kinh nghiệm ở Đông Hưng đã giúp tôi hiểu rõ hơn về giá trị và độc đáo của văn hóa dân tộc Kinh ở Tam Đảo, Trung Quốc và có lẽ ở đây sẽ mãi là nơi đẹp nhất ở Trung Quốc mà tôi từng đi qua. 

fb-img-1694222693240-1694223123.jpg
 
fb-img-1694222826839-1694223122.jpg