Bản chất của phương pháp chống dịch không thay đổi: lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" trong phòng, chống dịch để kêu gọi, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường.
Mức độ giãn cách còn lên tầm cao mới khi Hà Nội triệt để kiểm tra giấy đi đường để đảm bảo người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Khả năng lây lan nhanh của biến chủng mới cùng bài học từ TP.HCM, Bình Dương cho thấy nếu không chống dịch triệt để, Hà Nội có nguy cơ "vỡ trận" tương tự.
COVID-19 không khoan thứ cho đối thủ nào đánh giá thấp khả năng của chúng. Virus vô hình, vô cảm và tồn tại trên chính thói quen trong cuộc sống hàng ngày. Ngăn chặn tiếp xúc tối thiểu giữa người với người là cách tối ưu để bẻ gãy chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2, trong thời gian chờ thực hiện tiêm chủng toàn dân.
Thời gian đầu thực hiện phòng chống dịch, Hà Nội làm rất nghiêm. Những ngày đầu thu không tiếng còi xe, không người qua lại là cảnh tượng khiến ai cũng thấy nao lòng, nhưng nó mang lại niềm tin mãnh liệt rằng sau vài tuần chịu khổ, người dân sẽ trở lại nhịp sống bình thường, còn hơn cứ buông lỏng, xuề xòa với nhau mà hậu quả để lại là những ngày nơm nớp lo lắng sợ hãi.
Tuy nhiên, sự chắc chắn, quyết liệt của Hà Nội đang giảm dần. Đường phố đã đông đúc trở lại. Giấy đi đường, công cụ kiểm soát việc di chuyển trên đường của người dân, bị làm giả, hoặc bị lợi dụng để làm việc không thiết yếu.
Ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố, người dân tự do đi lại, tập thể dục, giao tiếp với nhau, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn.
Mới đây, Hà Nội thống kê thu được 50 tỷ đồng tiền phạt của người dân trong đợt dịch COVID-19, chứng tỏ cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, mạnh tay xử phạt. Nhưng liệu chúng ta đã giăng tấm lưới đủ lớn để quét sạch vi phạm?
Khi một bộ phận người dân không tuân thủ quy tắc 5K, coi thường dịch bệnh bất chấp chế tài xử phạt, phải chăng mức độ răn đe cần được tăng cao hơn nữa?
Công tác kiểm soát, quản lý có lẽ cần thay đổi. Đây là năm thứ hai dịch COVID-19 hoành hành, làn sóng lây nhiễm thứ tư tràn khắp các tỉnh thành, nên khó có thể nói người dân chưa nhận thức đầy đủ về đại dịch.
Bỏ ngoài tai cảnh báo, thách thức thành quả chống dịch của toàn dân, toàn thành phố, đấy không chỉ là có lỗi với bản thân, mà còn là có tội với cuộc sống, sinh kế của hàng triệu con người. Với những người ý thức kém như vậy, cần quản lý chặt chẽ và áp dụng những biện pháp mạnh. Kiểm soát như hiện nay, e rằng vẫn lỏng, vẫn "hiền" quá.
Với hơn 2.000 ca nhiễm trong đợt lây nhiễm thứ tư, Hà Nội không thể chủ quan. TP.HCM, Bình Dương, Long An giai đoạn tháng 5 cũng chỉ mới có vài chục, vài trăm ca mắc COVID-19, trước khi bùng phát với tốc độ phi mã bởi sự buông lỏng trong công tác phòng chống dịch.
Bài học của TP.HCM, Hà Nội cần ghi nhớ kỹ. Vài giây, vài phút chống dịch nửa vời, thiếu quyết liệt có thể đổi lấy bằng vài tuần, vài tháng phải sống chung với thiệt hại không thể đong đếm về người và của.
Đã sang ngày thứ 34 thực hiện Chỉ thị 16, nhưng các ổ dịch mới ở Hà Nội vẫn thay nhau bùng phát. Mới đây nhất là ổ dịch ở ngõ 328 và 303 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) với số ca mắc lên tới 112 ca chỉ sau 4 ngày bùng phát.
Tại sao đồng thời nhiều nguồn lây cùng xuất hiện ở hai ngõ phố? Chính quyền đã kiểm soát thế nào để gần 1.700 nhân khẩu tại đây đang trở thành F1, nguy cơ lan nhanh thành một ổ dịch "siêu lây nhiễm"?
Tình trạng F0 tồn tại trong cộng đồng mà chưa được phát hiện còn kéo dài đến bao giờ, và ở thời điểm nào thì không còn xuất hiện những ổ dịch mới?
Những câu hỏi trên khó có lời giải nếu người dân còn thoải mái ra đường mà không vấp phải hàng rào pháp lý mạnh mẽ nào.
Tôi tin rằng rất nhiều người sẵn sàng ở nhà, tuân thủ quy tắc 5K, cùng đồng hành với thành phố trong cuộc chiến chống dịch. Họ cũng như lực lượng y tế, an ninh,... đã hy sinh lợi ích cá nhân và căng mình trên tuyến đầu để đẩy lùi dịch COVID-19. Những giọt mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống vì sự bình yên của thành phố.
Nhưng hy sinh ấy sẽ trở thành vô ích nếu bên ngoài kia, Hà Nội vẫn cứ buông lỏng, cứ hời hợt và nửa vời. Chuỗi lây nhiễm chỉ có thể bị cắt lui nếu tất cả đồng lòng trên một chiến hào, thay vì người này cứ chống, người kia cứ vi phạm. 2 tháng chống dịch cùng hàng trăm tỷ đồng sẽ đổ bể, nếu thành phố không quyết liệt đến cùng.
Đau đớn một lần rồi trở về guồng quay cũ, không phải cứ tốt hơn là mãi nhấp nhổm lo âu, mãi giãn cách phong tỏa như hiện nay hay sao, thưa Chu thị trưởng?
Theo: FB Hồng Nam