Mập mờ trong tư vấn, chỉ nhấn mạnh vào lãi suất cao, uy tín của ngân hàng, mà lấp liếm những thông tin về doanh nghiệp hay những rủi ro có thể gặp phải, là cách mà nhiều nhân viên ngân hàng hiện nay đang dụ dỗ, chào mời khách hàng mua trái phiếu thay cho việc gửi tiền tiết kiệm thông thường. Điều đáng nói, với hình thức này, nhiều người dân đang tự mua rủi ro cho chính bản thân mình mà không hề hay biết.

Tại điều 14 Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ nêu rõ: Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ phải “Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt, đảm bảo không có nội dung để nhà đầu tư nhầm lẫn giữa việc mua trái phiếu doanh nghiệp và gửi tiền tại tổ chức tín dụng; cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho nhà đầu tư về trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành khi phân phối trái phiếu; không cung cấp thông tin sai sự thật, không cung cấp thông tin dễ gây hiểu lầm về trái phiếu cho nhà đầu tư”. 

Thế nhưng thực tế, vì lợi nhuận từ việc phân phối trái phiếu tương đối lớn, nhiều ngân hàng đã mập mờ trong việc tư vấn chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư, không cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành cũng như hình thức rút và tất toán trái phiếu cho người dân, khiến nhiều người mua trái phiếu không hiểu rõ về nó cũng như những trách nhiệm và rủi ro đi kèm.  Hơn thế nữa, nhiều nhân viên tư vấn còn đảm bảo sẽ “lo giúp” chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp cho khách hàng. 

Với lãi suất dao động 9 - 12%/năm, thậm chí lên tới 18%/năm, trái phiếu doanh nghiệp mua qua ngân hàng có sức hấp dẫn khách hàng hơn các dịch vụ khác như gửi tiết kiệm. Chính điều này, nhiều nhân viên ngân hàng đã đánh trúng tâm lý khách hàng, tư vấn chào mời họ mua sản phẩm với những tên gọi hấp dẫn như “Tiết kiệm đầu tư” hay “ Tiền gửi trái phiếu với lãi suất cao, kỳ hạn linh hoạt, có thể tất toán trước hạn”. 

Không thông tin cụ thể về doanh nghiệp, hay bất cứ thông tin nào về các loại trái phiếu, những gì nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách là những con số lãi suất khủng, mức độ uy tín của ngân hàng để đảm bảo và tạo lòng tin. Thậm chí, khi khách hàng hỏi kỹ hơn, nhân viên lúng túng, không có một phân tích cơ bản nào về đầu tư được đưa ra như khả năng trả nợ, tình hình tài chính của công ty, khả năng thanh khoản của trái phiếu...Tất cả chỉ là những đảm bảo mong manh trên danh nghĩa uy tín của ngân hàng.  

Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh được cho là thông tin nội bộ của ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) trong chương trình kêu gọi nhân viên thi đua giới thiệu trái phiếu để nhận thưởng. Với những tỉ lệ thưởng được đưa ra vô cùng hấp dẫn, phải chăng đây là chiêu bài của ngân hàng “ép” nhân viên chào mời khách hàng mua trái phiếu bằng mọi cách. Có lẽ đây là chiêu thức mà rất nhiều ngân hàng khác đang ngấm ngầm thực hiện không riêng gì ngân hàng SCB.  

Được biết, với các trái phiếu bảo lãnh phát hành thì ngân hàng chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Trên "giấy trắng mực đen", ngân hàng không có bất kỳ trách nhiệm nào với việc hoàn tiền số trái phiếu này. Như vậy, nếu xảy ra rủi ro, phía doanh nghiệp vỡ nợ, người mua không ai khác sẽ là người chịu hoàn toàn rủi ro. 

Rủi ro với mua trái phiếu doanh nghiệp là vậy, thế nhưng, thông qua việc phát hành trái phiếu tại ngân hàng, các doanh nghiệp lại huy động được một lượng lớn vốn từ nguwofi dân.

Điển hình là tập đoàn Sovico, gây bất ngờ với khả năng hút hàng chục nghìn tỷ trái phiếu dù doanh thu chỉ ở mức “tượng trưng”. 

Theo dữ liệu tài chính, các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Sovico Group đã huy động tổng cộng hơn 50.000 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm 2019 đến nay. Nếu tính cả HDBank (nằm trong hệ sinh thái của Sovico Group), con số thậm chí còn lên đến khoảng 69.000 tỷ đồng. Nhờ trái phiếu, tổng tài sản của Sovico Group tăng chóng mặt từ mức chỉ hơn 900 tỷ đồng vào cuối năm 2018 lên đến 43.316 tỷ đồng vào cuối năm 2021, tức là gấp 47,5 lần sau 3 năm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh lại không hề tương xứng với quy mô khổng lồ cũng như tốc độ mở rộng của của tập đoàn này. 

Có một điều đáng ngạch nhiên, qua dữ liệu tài chính 5 năm trở lại đây, Sovico Group chỉ phát sinh vài tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Con số này có thể nói chỉ ở mức "tượng trưng" so với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Hiện nay, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu này trải rộng trên các lĩnh vực. Mỗi trái phiếu của mỗi doanh nghiệp sẽ có giá trị khác nhau, với mức lãi suất khác nhau và thời gian đáo hạn khác nhau.

Tuy nhiên, để đầu tư bằng hình thức mua trái phiếu doanh nghiệp thì người đầu tư nên tìm hiểu rõ các thông tin về trái phiếu của tất các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng nên theo dõi tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp để có thể đưa ra được những quyết định chính xác và hợp lý nhất tránh những rủi ro gặp phải tương tự như một số trường hợp đã xảy ra.